fbpx

Thiết kế logo mới của thương hiệu thời trang nổi tiếng Zara

Cuộc sống thật khó khăn. Mọi người đang làm việc quá vất vả. Và như một cú đánh cuối cùng trong năm, các thương hiệu tiếp tục thay đổi logo của họ mà không có những dấu hiệu báo trước cho khách hàng hay fan hâm mộ của thương hiệu. Hai tuần trước đó là Slack, tuần vừa rồi là Kate Spade và tuần này là  Zara với thiết kể logo mới vừa được công bố.

Thiết kế logo mới của Zara đặc biệt gây tranh cãi, với người hâm mộ thương hiệu này với những kẻ gièm pha có tầm ảnh hưởng trên Twitter bằng những lập luận của hai phía đối lập về phong cách thiết kế. Thiết kế logo mới này mang một số điểm tương đồng với phong cách thiết kế logo trước đó đã bị loại bỏ từ năm 2011. Giống như logo trước đây, thiết kế logo mới của Zara bao gồm bốn chữ cái viết hoa của tên thương hiệu trong một phông chữ serif. Nhưng trong khi logo trước có không gian rộng rãi giữa các chữ cái, tạo cảm giác thoáng đãng và tối giản, logo mới đè bẹp tất cả các chữ cái lại với nhau, các cạnh và chữ serifs quấn vào nhau như thể chúng đang vật lộn để thoát ra. Phông chữ mới này cũng bao gồm một đường cong trên các chữ “Z” và “R” gây nhiều bối rối cho người nhìn.

Đã qua rồi thời kỳ của những logo phức tạp như logo của Cartier, Gucci và Bulgari, khuynh hướng logo tối giản trở nên ngự trị trong thời đại công nghệ như ngày nay (có thể dễ dàng nhìn thấy khuynh hướng tối giản trên các thiết kế logo của các công ty công nghệ và thiết kế logo startup – từ Google đến Uber và Everlane)

 

Diện mạo mới của Zara được tạo ra bởi công ty thiết kế Baron & Baron. Nhà thiết kế Fabien Baron- người sáng lập của Baron & Baron, được biết đến với phong cách đặc biệt về khoảng cách nén, chồng chéo này, và cũng tạo ra nhiều hình ảnh cho chiến dịch tiếp thị mới ra mắt của Zara. Baron đã từng thiết kế kiểu chữ cho một loạt các thương hiệu thời trang như Dior, Coach, Bottega Veneta.

Thiết kế logo mới của Zara cũng tương tự phong cách với những thương hiệu thời trang này, có vẻ như muốn gửi gắm tham vọng của Zara mới cho phân khúc khách hàng cao cấp. Tuy nhiên, thiết kế logo mới của Zara lại mang cảm giác ngột ngạt và chen chút nhiều hơn so với các thiết kế khác trước đây của Baron (cũng có thể do thời đại thay đổi, thế giới quan và gu thẩm mỹ của con người cũng thay đổi theo một cách nhanh chóng chăng?)
Nếu phải nói vài từ mô tả về cảm giác của mình, tôi không phải là một fan hâm mộ lớn của phong cách thiết kế logo mới này. Nó làm cho tôi cảm thấy ngột ngạt, và tâm trí tôi phải vật lộn để hiểu được những gì tôi đang đọc khi nhìn vào logo. Có nhiều người cũng cùng quan điểm với tôi, bao gồm cả nhà thiết kế nổi tiếng Erik Spiekermann, người đã công bố trên Twitter- ” Đó là tác phẩm tồi tệ nhất mà Erik đã từng thấy trong nhiều năm. Liệu logo này có phải được thiết kế bởi một con robot nằm trong kế hoạch sẽ thay thế con người trong tương lai của ngành sáng tạo chăng?” Thật lòng, thiết kế logo mới này của Zara dường như đang gặp trục trặc kỹ thuật. Nhiều người khác lại chế nhạo Zara bằng cách nói rằng nếu xu hướng nén chữ này được tiếp tục thì công việc thiết kế lại logo sẽ chỉ là tạo ra một hình chữ nhật màu đen với tất cả các chữ cái được nhồi nhét vào trong cái hình chữ nhật ấy.

Tuy nhiên, vẫn có một số người quả quyết rằng đó là một bước tiến mới cho thiết kế thương hiệu 2019. Một trong những xu hướng thiết kế lớn nhất của năm 2018 là logo sans-serif với nhiều khoảng trắng giữa các chữ cái. Các tác giả, Thierry Brunfaut và Tom Greenwood, cả hai đều là giám đốc sáng tạo, nói rằng kiểu thiết kế logo này đã trở nên phổ biến đến mức bây giờ nó trở thành xu hướng chung. Hãy xem xét các thương hiệu gần đây của các công ty công nghệ, như Google, Airbnb, Uber và Slack có logo đều là các biến thể của xu hướng này. Và cả các thương hiệu startup thời trang cũng áp dụng xu hướng này như thiết kế logo của  Everlane và Cuyana.

Nhìn chung so với các thương hiệu cùng đẳng cấp thì Zara vẫn có một vị thế riêng. Thành lập từ 1970, thương hiệu thời trang Zara đã mang lại dấu ấn đáng tin cậy của một thương hiệu lâu đời, chiếm ưu thế về niềm tin của người tiêu dùng hơn so với những thương hiệu non trẻ mới ra đời cho cùng phân khúc khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên để chuyển tải thông điệp “lâu đời” lên thiết kế logo sẽ có nhiều phương án lựa chọn, và không nhất thiết phải quay về với những phong cách thiết kế trước đây nhưng đã bị thị hiếu xóa bỏ vì nó liên quan đến một số nguyên tắc trong khoa học tâm lý đọc/ xem của con người tại mỗi thời kỳ phát triển của xã hội. Ước gì, thiết kế logo mới này của Zara có thêm một tí khoảng cách để dễ đọc hơn thì thế giới bình yên biết bao.

Theo: Elizabeth Segran, Ph.D. – Fast Company

Biên soạn: DP EXPRESS

Categories: Tin tức
Share:

Leave a comment